Kiến thức dạy con
Tuyệt Chiêu Dạy Con Tư Duy Sáng Tạo
Cha mẹ chính là những người thầy quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi đứa con. Theo thống kê trẻ em mất khoảng 14% thời gian ở trường, 33% thời gian để ngủ, 53% còn lại giữa cộng đồng hoặc ở nhà. Chính vì thế khoảng thời gian bên các con của bạn cũng sẽ ảnh hưởng đến cách tư duy và học tập mà con hướng tới. Chỉ có cha mẹ mới có thể quan tâm, chú ý đến từng đứa con của mình và thỏa mãn tính tò mò của chúng. Chỉ có cha mẹ mới biết rõ con mình học hỏi và thực hiện những điều học được ra sao, hiểu chúng đã lớn khôn, thay đổi như thế nào. Hệ quả tự nhiên là trẻ học theo hình mẫu của cha mẹ, dù cho chúng có thích hình mẫu đó hay không.
Nếu chúng ta đã là cha mẹ thì việc dạy con chính là một nhiệm vụ quan trọng và dạy như thế nào có hiệu quả nhất là cái mà chúng tôi gọi là “Tuyệt chiêu” - cách đơn giản để các bậc phụ huynh có thể áp dung hằng ngày, mọi lúc mọi nơi với con mình để hoàn thành nhiệm vụ “cha mẹ” một cách trọn vẹn, đầy yêu thương.
Trên thực tế, chúng ta cần đến các kĩ năng tư duy sáng tạo khi vẽ, diễn xuất, hát và chơi nhạc cụ. Chúng ta cần các kĩ năng đó mỗi khi tìm kiếm các ý tưởng mới, tìm kiếm một phương thức hay công cụ nào đó trong một môi trường mới.
Thông qua việc sử dụng các cách thức dưới đây, phụ huynh có thể hướng dẫn cho bé sử dụng năm giác quan để bồi đắp năng lực sáng tạo đó:1. Hãy yêu cầu trẻ quan sát, suy nghĩ một cách sáng tạo về những vật dụng hằng ngày với câu hỏi: “Chúng ta sẽ làm gì nếu không có cái này hoặc cái kia?” trước một đồ vật mà trẻ sẽ hay đang sử dụng giúp trẻ tự đưa ra nhiều ý tưởng mới lạ và khác thường.
2. Hãy dạy trẻ cách “động não” suy nghĩ qua các bước:
- Nêu vấn đề hoặc câu hỏi (chỉ đơn giản như: chúng ta nên ăn gì vào bữa tối ngày mai? Chúng ta sẽ đi đâu nhỉ? Phải làm gì nếu ta đi học muộn?)
- Khuyến khích trẻ liên tục đưa ra các ý tưởng: ít nhất là 3 ý tưởng.
- Chấp nhận mọi ý tưởng không đánh giá hay loại trừ một ý tưởng nào trong khi động não.
- Tạo cơ hội cho mọi người có liên quan đưa ra ý tưởng của mình ( cha mẹ sẽ là người cuối cùng đưa ta ý tưởng).
3. Hãy cùng con liên tưởng hay tưởng tưởng các đối tượng theo nhiều chiều hướng quan sát khác nhau, đặt câu hỏi: “Cái này còn giống cái gì nữa?”, cùng nhau tạo nên những hình ảnh tưởng tượng phong phú hoặc tập con tự giải thích thêm về các ý tưởng của mình.
4. Hãy yêu cầu trẻ nghĩ về điều gợi ra trong tâm trí khi nghe thấy một âm thanh, ngửi hay nếm một mùi vị và cảm giác chạm vào một vật nào đó bất kì. Việc để trẻ học cách sử dụng nhuần nhuyễn cả năm giác quan giúp trẻ trải nghiệm chân thật cũng như phát triển tư duy sáng tạo một cách linh hoạt.
Có thể đặt các câu hỏi để khởi động mạch tư duy cho bé như:
- “Âm thanh này nghe giống tiếng gì nào” “ Con có thể tưởng tượng ra điều gì trong lúc nghe âm thanh này?”
- Con cảm thấy mùi hương này như thế nào? Mùi hương này có gợi cho con cảm giác gì không?
- Ai sẽ ăn thứ này? Người hay nhân vật nào trong truyện nào sẽ ăn món này? Tại sao? Con hãy kể một câu chuyện có vị này đi.
- Con có thể nói đây là gì khi chạm vào không?
5. Hãy khuyến khích trẻ kể lại các hình ảnh liên tưởng rành mạch theo ý tưởng hay suy nghĩ của bản thân con.
6. Cùng tham gia một số trò chơi rèn luyện sự sáng tạo tại nhà: chơi lắp ráp, lego, vẽ tranh, cắt giấy tạo hình, tìm hình hay các điểm khác biệt, đóng kịch, phân vai, kể chuyện ….
Tư duy sáng tạo ở trẻ em phụ thuộc nhiều vào xúc cảm và thường kém bền vững hơn so với người lớn. Nếu không được khuyến khích tự do bày tỏ, thể hiện ý tưởng của mình, các con sẽ bị lệ thuộc vào một khuôn khổ nhàm chán và bị giảm đi năng lực sáng tạo. Vì vậy, nếu muốn con trở thành người thành công trong tương lai, hãy để bé được bay bổng với trí sáng tạo của mình, bố mẹ nhé!Mới đăng« Quay lại