Kiến thức dạy con
Phương pháp rèn luyện tư duy cho trẻ dưới 6 tuổi
Theo các nhà khoa học, độ tuổi từ 1 – 5 tuổi chính là khoảng thời gian mà bé học tập nhanh chóng nhất. Do vậy, bạn cần phải tham khảo một số phương pháp rèn luyện tư duy phù hợp với lứa tuổi của bé ngay từ bây giờ để nâng cao khả năng tư duy của bé.
Dạy trẻ cách khám phám thế giới xung quanh
Không ít các bậc phụ huynh mãi chạy theo các chương trình dạy học ở trên trường mà quên mất rằng thế giới xung quanh cũng là một “trường học” vô cùng tuyệt vời cho bé.
Có phải bạn đang đau đầu không biết nên làm thế nào để bé nhớ và sử dụng các con số hoặc các từ một cách đúng đắn? Hãy cùng bé khám phá môi trường hiện tại thông qua hàng loạt các câu hỏi như:
·Theo con thì bông hoa này mấy cánh?
·Con thấy trái này có màu gì?
·Con thấy đồ vật này cứng hay mềm?
Thông qua các câu hỏi này, bé buộc phải nhớ lại các từ mà mình đã được học để trả lời bạn. Hơn thế nữa, việc cùng con vui đùa với môi trường tự nhiên sẽ kích thích tính tò mò của bé, từ đó tập cho bé tính chủ động trong quan sát mọi việc và tự tin hơn khi tiếp xúc với người lạ.
Dạy trẻ cách nghe nhạc, cho trẻ tự chọn nhạc yêu thích
Nghe nhạc là một trong những cách giúp bé phát triển về mặt tinh thần và kích thích bán cầu não phải phát triển. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng âm nhạc có tác động tích cực đến não bộ, giúp trẻ mở rộng nhận thức và tăng cảm nhận thông qua các giác quan của bé. Âm nhạc cũng là một cách giải stress vô cùng lý tưởng sau mỗi giờ học. Do vậy, hãy hình thành khả năng cảm thụ âm nhạc cùng con thông qua các hoạt động nghe nhạc. Phương pháp rèn luyện tư duy độc đáo này sẽ giúp trẻ hát diễn cảm hơn, vận động chính xác hơn và nhanh nhẹn, tự tin trong vui chơi.
Dạy trẻ làm thủ công, tự làm đồ chơi mình thích
Ai cũng muốn con mình ngoài phát triển các kỹ năng tư duy còn cần biết thêm một số kỹ năng khác. Và việc dạy trẻ làm một vài món đồ “handmade” chính là cách kích thích khả năng sáng tạo, giúp bé sẽ nâng cao khả năng quan sát và cách giải quyết vấn đề. Bạn có thể bắt đầu cùng bé làm các món đồ thủ công như ống nhòm, cần câu cá hoặc đơn giản hơn là cùng con cắt bông hoa hoặc tô tượng…
Cùng bé tô màu hoặc làm các đồ chơi thủ công cũng là cách giúp bé hoạt động nhanh nhạy hơn
Dạy trẻ khả năng phân loại
Trong một số trường hợp, con bạn không ngăn nắp hoặc không có tính kỷ luật không phải do bản tính của bé mà xuất phát từ việc bé không biết sắp xếp hoặc phân loại đồ vật như thế nào. Hãy giúp con phát triển kỹ năng tổ chức của mình ngay từ nhỏ bằng cách giúp bé phân biệt được những đồ vật nào sẽ đi cùng với nhau như: Màu đỏ sẽ cùng đi với màu đỏ; những đồ bật lớn sẽ để bên dưới, những đồ vật nhỏ hơn sẽ để lên trên…
Dạy trẻ khả năng phân loại những đồ vật nào đi cùng với nhau cũng là cách giúp bé nâng cao tính kỷ luật
Dạy trẻ khả năng so sánh
Hãy giúp bé nhận biết và so sánh sự khác biệt về 2 đối tượng như cao – thấp, to – bé, lớn – nhỏ… thông qua các hoạt động cùng con miêu tả đồ vật hằng ngày. Bạn có thể chuẩn bị một số loại đồ chơi thông dụng và bắt đầu hướng dẫn bé cách so sánh như thế nào là đúng. Bạn nên luyện tập hoạt động này hằng ngày để trẻ tiếp thu và vận dụng một cách linh hoạt hơn.
Bên cạnh việc cho con tiếp cận với các phương pháp rèn luyện tư duy hiện đại, bạn cũng nên lồng vào một số hoạt động thường ngày như cùng con tập hát, cùng con khám phá môi trường xung quanh… để trẻ phát triển toàn diện hơn về các kỹ năng như kỹ năng tổ chức, kỹ năng giải quyết vấn đề và nâng cao tính phản xạ. Nuôi dạy con là cả một quá trình dài mà bạn phải đóng vai trò là một người bạn cùng con đi suốt chặng đường này, nhất là vào những năm tháng đầu đời.
Mới đăng« Quay lại